Nội dung trích dẫn trong phần Lời nói đầu cuốn sách, từ tác giả Nguyễn Hoàng Phương.
Hành trình phát triển thương hiệu của một doanh nghiệp có thể chỉ cần một năm để hoàn tất những quy trình nội bộ và các chỉ số đánh giá để vận hành cơ bản, chỉ cần vài năm để tinh chỉnh đóng gói sản phẩm/dịch vụ nhưng để xây dựng được một thương hiệu thực sự mạnh cần tới nhiều chục năm hoặc lâu hơn thế.
Thương hiệu không chỉ có chức năng phân biệt. Nội hàm của giá trị thương hiệu bao gồm rất nhiều thứ, từ thị trường, tên tuổi, sản phẩm- dịch vụ, con người và sản phẩm của con người (văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp)… Tên của một doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp đó là hai câu chuyện, hai khái niệm khác nhau. Từ cái tên đến “ tên tuổi thương hiệu” là một sự tích lũy bề dày chất lượng, uy tín, các cam kết thậm chí là danh dự của cả một doanh nghiệp đó.
Thực ra, đã có nhiều đầu sách nói về thương hiệu, song việc thể hiện những “khái niệm không mới” qua góc nhìn khác sẽ làm cho vấn đề được sáng tỏ, màu sắc giúp cho những người cần tham khảo tiếp cận với những chia sẻ, ít hay nhiều đều có hữu ích.
Những may mắn của tôi
Tôi có may mắn khi được tham gia trong lĩnh vực đào tạo quản lý từ những năm 2008. Trong 16 năm làm đào tạo, viết sách/báo, tôi có một may mắn khác khi được tham gia với vai trò là một chuyên viên quản lý dự án sau này trưởng thành một người quản lý và tư vấn/ cố vấn trưởng của cả dự án (vì việc tham gia đào tạo doanh nghiệp thường đi kèm với tư vấn doanh nghiệp hoặc cố vấn cho hội đồng quản trị doanh nghiệp đó). Việc đào tạo giúp tôi được học và buộc phải tự học tự nghiên cứu, công việc tư vấn buộc tôi phải ra những quyết định với tư cách độc lập khách quan. Chính vì việc “va đập” nhiều với những kiến thức, thông tin, những thực tế trong đời sống doanh nghiệp khiến tôi rút ra được kết luận rằng: “Thương hiệu gói ghém trong đó rất nhiều những sự đầu tư, là kết quả của quá trình tâm huyết đó và một thương hiệu là một hệ thống giá trị phải quy được thành giá trị tài chính”.
Thế hệ của những doanh nhân, những nhà quản lý giờ đây đã rất khác, rất mới, là thành quả của sự phát triển tiếp biến của xã hội hiện đại. Họ có trí tuệ, sự hiểu biết, nắm bắt công nghệ và những thông tin mới nhanh, nhạy bén. Tuy nhiên, nếu được góp sức thêm bằng những trải nghiệm của những cá nhân trong cuộc, tôi nghĩ đó là điều tốt.
Thế giới Marketing và Thương hiệu hiện đại
Trong quan điểm của tiếp thị hiện đại, cách xây dựng một thương hiệu thành công không chỉ bởi sản phẩm hoặc dịch vụ, mà còn bởi cách mà thương hiệu đó kết nối với văn hóa và con người. Khách hàng với phần đa các ngành nghề, họ không chỉ quyết định dựa vào nhu cầu tiêu dùng, bên cạnh đó còn là những giá trị cá nhân, khát vọng, cách mà họ cảm nhận về thương hiệu trong bối cảnh chung phát triển chung của xã hội.
Cuốn sách “Master Branding – Tư duy chiến lược và phương pháp xây dựng thương hiệu dành cho nhà quản trị doanh nghiệp” được viết những trang đầu tiên từ năm 2020, ra bản “bông” lần đầu cuối năm 2022, sau đó được cập nhật và chỉnh sửa, gần như không còn cấu trúc ban đầu (theo giáo trình), mà được viết lại theo hướng một cuốn sách đọc tham khảo với lối hành văn nhẹ nhõm, sinh động và nhiều ví dụ hơn. Song mục tiêu của cuốn sách không thay đổi , đó là một góc nhìn của người trong cuộc, hướng dẫn các nhà quản lý hoặc những chủ doanh nghiệp, các startup xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và bền vững, bắt đầu từ việc hiểu sâu sắc về lịch sử phát triển, các thành tố trong thương hiệu, truyền thông thương hiệu, mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa doanh nghiệp với thương hiệu.
Bản thân người viết là một người làm hoặc tham gia nhiều công việc, song nếu được lựa chọn những việc thích nhất, có lẽ chỉ tập trung vào 3 thứ: Học, Viết và Dạy học. Cuốn sách này chỉ là góc nhìn của một người nhỏ xíu trong một vũ trụ kiến thức, nên chắc chắn còn cần nhiều sự góp ý, góp sức để cho bản sách được thêm hoàn thiện, tôi trân trọng những việc đó như trân quý sự học, đọc và các độc giả.
Ngoài những điều trên, tôi cũng có một vinh dự rất lớn, là người cha của 2 đứa con. Cũng như bao ông bố khá, tôi hàng ngày làm việc, lao động với mong muốn mình cũng là tấm gương nhỏ cho con mình. Để các con thấy rằng, người cha người mẹ của chúng luôn cố gắng mỗi ngày hữu ích với gia đình, với tổ chức, với những người bạn hữu.
Xin được bày tỏ sự trân quý của tôi với các độc giả.
Nguyễn Hoàng Phương.